Ý kiến về thời điểm xác nhận hàng qua khu vực giám sát HQ

Ngày 10-07-2017 Lượt xem 234
Việc xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát hải quan đối với trường hợp các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu số lượng nhiều, khối lượng lớn, có thời gian đi qua khu vực giám sát hải quan kéo dài cần được quan tâm và sớm có quy định, hướng dẫn rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn và hợp lý về thời điểm, để tránh việc lợi dụng, tránh nhiều cách hiểu khác nhau về cùng một vấn đề trong thực hiện các quy định thủ tục hải quan.
Công chức Hải quan kiểm tra mặt hàng dăm gỗ XK. Ảnh: T.Trang.
Thủ tục xác nhận hàng hóa đã qua khu vực giám sát hải quan là thủ tục bắt buộc đối với các tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (trừ một số trường hợp đặc biệt quy định không xác nhận hoặc xác nhận nhưng không có giám sát trực tiếp) nhằm để xác nhận hàng hóa nhập khẩu đã ra khỏi khu vực giám sát hải quan hoặc hàng hóa xuất khẩu đã đi vào khu vực giám sát hải quan, là cơ sở để xác định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến lô hàng hóa xuất nhập khẩu của cơ quan Hải quan cũng như doanh nghiệp. Tại Điều 53 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định cơ sở để xác định hàng hoá xuất khẩu là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được thông quan và được xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát trên hệ thống hoặc trường hợp khác được xác nhận trên tờ khai giấy. Như vậy, có thể thấy rằng hậu quả pháp lý của việc xác nhận hàng hóa đã qua khu vực giám sát hải quan là rất quan trọng trong quá trình thực hiện các thủ tục của cơ quan Hải quan. Hiện nay, việc cơ quan Hải quan, công chức hải quan xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan được thực hiện theo quy định tại Điều 34 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ, Điều 52 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính. Theo đó, thời điểm xác nhận hàng hóa đã qua khu vực giám sát hải quan trên hệ thống hoặc trên tờ khai giấy có thể được hiểu là ngay tại thời điểm hàng hóa thực tế đi vào hoặc đi ra khỏi khu vực giám sát hải quan. Tuy nhiên, đối với một lô hàng với số lượng, khối lượng lớn, được đưa vào hoặc đưa ra khỏi khu vực giám sát phải trong một khoảng thời gian dài thì hiện tại chưa có quy định, hướng dẫn dùng thời điểm nào để xem là thời điểm xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát hải quan và trách nhiệm xác nhận trên hệ thống hoặc trên tờ khai giấy của cơ quan Hải quan. Việc xuất nhập khẩu đối với các mặt hàng với số lượng lớn mà thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài như nói trên hiện nay rất nhiều và rất thường xuyên trên cả nước nếu chúng ta không có quy định rõ ràng hơn sẽ gặp rất nhiều hậu quả pháp lý phát sinh. Ví dụ: Một tờ khai xuất khẩu dăm gỗ có khối lượng trên 20.000 tấn, tổng trị giá FOB khoảng 3 triệu USD; để xếp hàng đủ số lượng này doanh nghiệp không thể cho lô hàng qua khu vực giám sát trong một thời điểm mà cần quãng thời gian trên dưới 7 ngày hoặc dài hơn, với hơn 1.000 lượt xe để chở hàng từ kho, bãi của doanh nghiệp vào cảng để xếp hàng lên tàu thì thời điểm nào được xem là thời điểm hàng đã qua khu vực giám sát hải quan? Thời điểm chiếc xe đầu tiên chở hàng vào khu vực giám sát hải quan hay là thời điểm chiếc xe cuối cùng của lô hàng vào khu vực giám sát hải quan hay là một mốc thời gian nào khác? Khi ta sử dụng mốc thời gian nào cũng đều có điểm chưa hợp lý. Nếu lấy thời điểm phần đầu tiên của lô hàng qua khu vực giám sát để xác định cả lô hàng đã qua khu vực giám sát hải quan thì sẽ dễ bị lợi dụng để gian lận nếu có sự thay đổi hiệu lực về chính sách thuế hoặc chính sách quản lý hàng hóa trong thời gian này; còn nếu lấy thời điểm phần cuối cùng của lô hàng qua khu vực giám sát hải quan để xác định là thời điểm qua khu vực giám sát hải quan của cả lô hàng thì sẽ xảy ra những trường hợp hủy tờ khai không đáng có và phần hàng đã thực tế qua khu vực giám sát rồi sẽ giải quyết thế nào (khi thời điểm phần cuối cùng của lô hàng qua khu vực giám sát quá 15 ngày hiệu lực của tờ khai). Việc xác định rõ thời điểm hàng đã qua khu vực giám sát hải quan đối với các trường hợp này có liên quan đến nhiều nghĩa vụ pháp lý khác như: Thời gian hiệu lực của tờ khai hải quan (15 ngày, từ ngày đăng ký tờ khai đến ngày hàng đã qua khu vực giám sát), chính sách thuế, cơ sở để xác định hàng hóa thực xuất khẩu,…Đối với trường hợp lô hàng không phát sinh nghĩa vụ thuế, chính sách quản lý hàng hóa thì vấn đề xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát hải quan sẽ chỉ mang tính thủ tục. Tuy nhiên, nếu lô hàng có phát sinh nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ tài chính hay chính sách quản lý mặt hàng mới có hiệu lực tại thời điểm này thì việc xác định thời điểm chính xác là cơ sở để xem là hàng đã qua khu vực giám sát hải quan sẽ rất quan trọng, quyết định rất nhiều vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm. Chẳng hạn tại ví dụ trên của bài viết này mà thời điểm đăng ký tờ khai đối với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu là thời điểm trước và sau ngày 31/12/2015 (năm 2015 thuế suất xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ là 0%, từ năm 1/1/2016 là 2%) sẽ có những tình huống nếu không quy định rõ thì doanh nghiệp và cơ quan Hải quan có thể hiểu theo hướng ngày xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát hải quan là thời điểm một phần đầu tiên của lô hàng được đưa vào khu vực giám sát hải quan, doanh nghiệp có thể né tránh nghĩa vụ thuế bằng cách đăng ký tờ khai xuất khẩu là ngày 31/12/2015 (thuế suất 0%), do đã biết trước chính sách thuế có thay đổi nên sẽ cho một vài xe chở hàng xuất khẩu qua khu vực giám sát hải quan trước ngày 14/1/2016 (nhằm mục đích không để tờ khai bị hủy do quá thời gian hiệu lực là 15 ngày, nếu hủy tờ khai và đăng ký lại tờ khai mới từ ngày 1/1/2016 sẽ chịu thuế suất 2%) rồi có thể kéo dài thời gian xếp hàng đến thời điểm thực tế xuất khẩu xong (ngày kết thúc xếp hàng lên tàu sẽ quá 15 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai, thậm chí kéo dài hơn). Khi đó, doanh nghiệp có thể đã tránh được nghĩa vụ khoảng 1,2 tỷ đồng tiền thuế xuất khẩu cho lô hàng này, so với việc hiểu thời điểm hàng đã qua khu vực giám sát hải quan là ngày toàn bộ lô hàng đã qua khu vực giám sát hải quan (xe cuối cùng vào cảng). Tương tự cho các trường hợp có quy định thay đổi chính sách hàng hóa xuất nhập khẩu thì doanh nghiệp cũng có thể né tránh bằng các cách làm tương tự nếu không được quy định rõ thời điểm nào được xem là hàng hóa đã qua khu vực giám sát hải quan. Nếu là các lô hàng xăng dầu, phân bón,… có trị giá lên đến hàng chục triệu USD, thuế suất cao, nhiều biến động thì hậu quả và chênh lệch thuế sẽ lớn hơn rất nhiều. Nên chăng chúng ta cần quan tâm và sớm có quy định, hướng dẫn rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn và hợp lý về thời điểm xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát hải quan đối với trường hợp mà các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu số lượng nhiều, khối lượng lớn, có thời gian đi qua khu vực giám sát hải quan kéo dài, để tránh việc lợi dụng, tránh nhiều cách hiểu khác nhau về cùng một vấn đề trong thực hiện các quy định thủ tục hải quan.

Theo Báo Hải Quan

wiget Chat Zalo Messenger Chat Whatsapp Chat